(CĐ 14) – Phần 4: Những vũ khí hủy diệt việc làm DEATH BY CHINA – CHẾT DƯỚI TAY TRUNG QUỐC

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013 0 nhận xét



(CĐ 14) – Phần 4: Những vũ khí hủy diệt việc làm
DEATH BY CHINA – CHẾT DƯỚI TAY TRUNG QUỐC
“Việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ.”
Albert Camus
PHẦN 4: NHỮNG VŨ KHÍ HỦY DIỆT VIỆC LÀM
Cái chết đối với cơ sở sản xuất và chế tạo Mỹ: Tại sao chúng ta không giải trí hay làm việc ở Peoria [1] nữa?
Trung Quốc đã trở thành một thế lực tài chính và thương mại trọng yếu. Nhưng, nó không hành xử như các nền kinh tế lớn khác. Thay vào đó, nó đi theo thuyết trọng thương hám lợi, cố giữ thặng dư thương mại ở một mức cao giả tạo. Và trong nền kinh tế thế giới bị đình trệ như hôm nay, học thuyết này, nói toạc móng heo ra là, đi ăn cướp.
Ở thập niên vừa qua, ngồi chễm chệ trên con ngựa thành Trojan của tự do thương mại, một Trung Quốc”ăn cướp” đã đánh cắp hàng triệu công ăn việc làm về lĩnh vực sản xuất và chế tạo ngay trước mũi chúng ta. Nếu chúng ta lấy lại được số lượng công việc này, thì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ thấp hơn con số 5% thay vì gần hai con số như hiện nay, ngân quỹ của chính phủ sẽ được cân bằng, và đất nước ta có thể có một tương lai tươi sáng hơn những gì mà chúng ta hiện nay nhìn thấy. Câu hỏi đặt ra rõ ràng là: “Tại sao chúng ta, ở vị thế một Quốc gia, lại thể hiện một cách quá thụ động bên cạnh bộ mặt của một trong những kẻ ăn cắp vĩ đại nhất của lịch sử kinh tế thế giới: Có phải Trung Quốc là kẻ cắp của nền sản xuất và chế tạo Mỹ?
Bạn có thể nói rằng “Ô hay, sao lại vội vã nói như thế!”, “Trung Quốc đã lấy các công ăn việc làm của người Mỹ một cách công bằng và chính đáng bằng cách sử dụng lực lượng lao động rẻ và kỹ luật mà”. Vâng đúng thế, đây cũng chính là những luận giải vòng vo tam quốc của các nhà biện hộ Trung Quốc, những người thậm chí đã từ chối sự thật về sự tồn tại các thủ đoạn thương mại bất bình đẳng [2]. Thật ra, nếu bạn nghiên cứu kỹ về nguồn lực thực sự về lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, sẽ thấy rất rõ ràng rằng, hơn một nửa lợi thế này đến từ một ma trận phức tạp gồm 8 thủ đoạn bất bình đẳng thương mại, mỗi mưu mô và thủ đoạn này được che đậy dưới những định chế thông thường của tự do thương mại. “Tám Vũ Khí Hủy Diệt Việc Làm Hàng Loạt” siêu quyền năng này gồm có:
1. Mạng lưới tinh vi về trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp.
2. Một nền tiền tệ được điều khiển một cách khôn ngoan và phá giá thô thiển
3. Giả mạo trắng trợn, trộm cắp, và cướp công khai gia tài Sở hữu trí tuệ của Mỹ.
4. Chính sách thiển cận khó tin của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, sắn sàng đánh đôi việc phá huỷ môi trường, chỉ để kiếm thêm một vài đồng tiền, nhằm đạt được lợi thế về chi phí sản xuất.
5. Các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ sức khỏe cho công nhân cực kỳ lỏng lẻo, quá thấp so với chuẩn yêu cầu quốc tế, là nguyên nhân gây ra hàng loạt các chứng bệnh về phổi, tàn phế chân tay, và vô vàn các bệnh liên quan tới ung thư, không chỉ là do may rủi về tai nạn nghề nghiệp, mà việc nhiễm những bệnh này là điều tất yếu sẽ sảy ra [3].
6. Biểu thuế quan phi pháp, hạn ngạch nhập khẩu và những định chế giới hạn đối với xuất khẩu các nguyên vật liệu thô quan trọng, từ Antimon tới Kẽm, được thực thi chẳng theo luật lệ nào cả. Việc này được coi như là một thủ đoạn chiến lược, nhằm kiểm soát ngành công nghiệp nặng và luyện kiêm của cả thế giới.
7. Định giá ăn cướp và dùng các thủ đoạn “Phá giá” để loại các đối thủ nước ngoài ra khỏi những thị trường tài nguyên trọng yếu, sau đó lừa gạt và móc túi khách hàng bằng chính sách làm giá độc quyền.
8. “Vạn Lý Trường Thành Bảo hộ” lững lẫy tiếng tăm, được tạo ra nhằm không cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thiết lập cơ sở buôn bán và làm ăn trên đất của người Trung Quốc.
Không còn nhầm lẫn gì nữa. Đây chính là những vũ khí kinh tế thực sự với khả năng phát hỏa rất đáng quan tâm. Việc liên tục phát hỏa của những vũ khí này vào nền sản xuất và chế tạo của Mỹ đã dẫn tới đóng cửa hàng ngàn nhà máy và biến hàng triệu nhân công Mỹ thành những nạn nhân không chủ ý – tất cả đều nằm dưới lá cờ lừa đảo mang tên “Tự do Thương mại”.
Tại sao chẳng có cái gì “Tự do” khi nói về Tự do Thương mại với Trung Quốc?
Nếu bạn muốn tìm hiểu cái gì không thuộc về tự do thương mại, thì hãy cố đọc bất kỳ cuốn sách kinh tế nào mà bọn trẻ đang sử dụng trong các trường học hôm nay. Có lẽ đôi mắt của các bạn sẽ trợn ngược, đầu thì sẽ lảo đảo quay tròn, và dạ dày thì cuộn lên, bởi vì nội dung của những cuốn sách giáo khoa này quá khác biệt với thực tế của vũ đài thương mại toàn cầu. Điều này cũng giống như việc Thánh Gandhi đã thay Lý thuyết gia về quân sự Clausewitz [4] bằng Tôn Vũ [5] trong các lớp học về chiến lược quân sự.
Thực tế, mặc dù có vô vàng bằng chứng trái ngược, những cuốn giáo trình này vẫn tiếp tục tung hô về những cái ưu việt của tự do thương mại, và cái mà người ta gọi là “lợi ích của thương mại” [6] mà tất cả chúng ta được thừa hưởng. Nhưng dưới đây là những gì mà các bộ máy tuyên truyền vô tâm đã quên nhận ra hay thừa nhận: Về mặt lý thuyết thì tự do thương mại rất tốt, nhưng tự do thương mại lại hiếm khi tồn tạo trong thế giới thực tại. Những điều kiện như thế không thể tìm thấy trên trái đất này, mà chúng tồn tại và có thể được tìm thấy ở một vương quốc không có lực ma sát và không khí, được giả định bởi giáo trình Vật lý trung học cơ sở.
Trong trường hợp của Trung Quốc và Mỹ, cái lý thuyết tự do thương mại đầy sức cám dỗ này rất gần với việc “kết hôn”: Nó sẽ vô dụng và chết ỉu nếu nước này lừa đảo nước kia. Thay vì điều này, khi mà Trung Quốc “đính hôn” với 8 thủ đoạn thương mại bất bình đẳng được mô tả ở chương này, trò chơi “Cả hai cùng có lợi” mà ở đó cả hai quốc gia đều giả định là sẽ cùng thắng, biến nhanh thành trò chơi “Kẻ thắng Người thua” mà ở đó có một người thắng lớn, còn người kia thì thua lỗ và suy vong [7]. Theo cách này, “tự do thương mại” giữa Con Rồng và Chú Sam, đơn giản đã trở thành câu mật mã “Cái chết đến với cơ sở sản xuất và chế tạo Hoa Kỳ”.
Nếu người Trung quốc xây dựng cơ sở sản xuất, sẽ không có việc làm cho người Mỹ [8]
Tại sao chúng tao lại quan tâm tới việc đánh mất cơ sở sản xuất và chế tạo của Mỹ? Rõ ràng là chúng ta đã từng nghe các học giả uyên thâm như Thomas Friedman của Thế giới phẳng rằng tương lai phồn thịnh của Mỹ nằm ở việc mở rộng nhanh công ăn việc làm trong lĩnh vực dịch vụ mà? Và những cái đầu biết nói như Fareed Zakaria của tờ Newsweek và thậm chỉ cả James Fallows của tờ Altantic luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng việc chuyển dịch công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo từ Mỹ và Châu Âu tới các nước có thu nhập thấp như Trung Quốc và Ấn độ là vấn đề không thể tránh được, chẳng khác gì việc thủy chiều lên và mặt trời lặn. Những điều này mà chúng ta chưa từng nghe hay sao?
Đúng vậy, tất nhiên là chúng ta đã bị ép buộc phải chén món ăn này. Nhưng các nhà báo như Fallows, Friedman và Zakarira, xin lỗi chơi chữ một chút ở đây, bọn họ đều sai lầm một cách “ngang bằng và phẳng lì” như nhau cả thôi [9]. Những gì mà những học giả tịt ngòi này, cùng với những tác giả đồng hạng và quan điểm như họ, mắc sai lầm ở chỗ là họ đã không nắm vững một trong những nguyên lý căn bản nhất của Kinh tế học:
Nhân công người Mỹ có thể cạnh tranh với nhân công ở các nước có thu nhập thấp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, miễn là họ phải hiệu quả và ưu việt hơn – và khi chiến trường tự do thương mại được san phẳng.
Đây chính là vũ khí và lợi thế cạnh tranh của nhân công Mỹ: sử dụng máy móc, công nghệ cao cấp hơn, và áp dụng các quy trình sáng tạo nhằm gia tăng năng xuất lao động. Với việc đạt hiệu quả sản xuất cao nhất trên thế giới, các nhân công áo xanh của nền sản xuất và chế tạo Mỹ đã luôn luôn có thể có được một khoản thu nhập khá, và vì thế họ có thể chu cấp và tạo ra cho chính họ những phiên bản mới của Giấc mơ Mỹ [10].
Tuy nhiên, giấc mơ của người Mỹ áo xanh về những hàng rào kín mầu trắng và con cái học hành ở giảng đường đại học, đã biến thành hồn ma ác mộng, bởi vì cho dù người Mỹ hôm nay làm việc trị giá như thế nào đi nữa, họ không thể tự bảo vệ mình trước “8 Vũ khí Hủy diệt Việc làm Hàng loạt” của Trung Quốc. Thực tế, trước đây nền công nghiệp sản xuất và chế tạo của Mỹ chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội GDP [11], thì hôm nay con số này đã bị chìm xuống mức chỉ khoảng 10%.
Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì Trung Quốc đã làm trống rỗng nền sản xuất và chế tạo của Mỹ một cách có hệ thống, nền kinh tế của Trung quốc đã tăng ở một con số kinh ngạc là 10% mỗi năm. Ngược lại, trong thập niên vừa qua, mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ chỉ là 2.4%. Cần phải lưu ý rằng, con số tăng trưởng 2.4% này trong những năm 2000 thấp hơn 3.2% so với tỷ lệ tăng trưởng chung của Mỹ từ năm 1946 tới năm 1999.
Bạn có thể nói “việc chỉ giảm có 0.8% về tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm trong suốt thập niên vừa qua chẳng có khác biệt là bao nhiêu cả”. Nhưng vấn để là ở chỗ này [12]. Cái con số khác biệt 0.8% này tương đương với việc đánh mất khoảng 1 triệu công ăn việc làm mỗi năm, và cứ tích lũy lại, thì chúng ta đã đánh mất hơn 10 triệu việc làm trong thập niên vừa qua. Rõ ràng đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nó gần như chính xác với con số công ăn việc làm mà chúng ta cần phải có để có thể vực dậy nền kinh tế Mỹ, với đầy đủ công ăn việc làm, và chúng ta có thể sản xuất ở mức tiềm năng cao nhất có thể đạt tới.
Nếu chúng ta xây dựng cơ sở sản xuất, việc làm cho người Mỹ sẽ đến [13]!
Dưới đây là viễn cảnh lớn hơn về nền sản xuất và chế tạo của Mỹ: Đây không chỉ những con số thô về hơn 10 triệu công ăn việc làm đã bị đánh mất trong thập niên vừa qua, điều này khiến cho nền sản xuất và chế tạo trở nên cực kỳ quan trọng đối với kinh tế Mỹ. Một nền sản xuất và chế tạo mạnh mẽ và nhộn nhịp luôn đóng một vai trò tối trọng đối với sự phồn vinh lâu dài của quốc gia, bởi vì ít nhất bốn lý do được trình bày dưới đây.
Đầu tiên, các công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo thì tạo ra nhiều công việc khác ở các khâu đầu cuối hơn là các công việc trong lĩnh vực dịch vụ. Thực ra, cứ mỗi một Đô la của sản phẩm đầu ra từ sản xuất và chế tạo, nước Mỹ sẽ tạo ra khoảng 1.5 Đô la liên quan tới các dịch vụ như là xây dựng, tài chính, buôn bán lẻ và vận tải.
Các công việc về sản xuất và chế tạo thường cũng trả lương cao hơn mức trung bình – đặc biệt là cao hơn rất nhiều đối với lao động nữ và lao động thiểu số. Sức mua và chi tiêu của nhân công áo xanh đóng vai trò cốt yếu kích hoạt cho toàn bộ nền kinh tế.
Chẳng có gì không liên quan với nhau cả [14], khi các nhà máy đóng cửa, các trung tâm mua sắm, cơ sở y tế, khách sạn, và nhà hàng ở bên cạnh nhà máy cũng chết theo. Khi các nhà máy di dời đi nơi khác, doanh thu từ thuế của Thanh phố và Chính phủ Liên bang cũng giảm theo, và công việc cũng như dịch vụ của chính phủ sẽ phải cắt giảm.
Quan trọng hơn cả, một nền sản xuất và chế tạo mạnh mẽ sẽ là mấu chốt để kích thích các cải tiến công nghệ mà nước Mỹ cần phải có để tiếp năng lượng cho nền kinh tế về lâu dài. Sự thật thì các nhà máy sản xuất và chế tạo có cơ sở ở Mỹ đóng góp hai phần ba về nghiên cứu và phát triển của Mỹ. Khi những nhà máy sản xuất và chế tạo này chuyển đến Trung Quốc, họ đã mang theo các chi phí về nghiên cứu và phát triển – và kéo theo luôn cả năng lực cải tiến của nước Mỹ.
Lý do thứ tư, và cũng là lý do cuối cùng, đó là nước Mỹ phải bảo vệ một cách vững chắc cơ sở sản xuất và chế tạo, phải bảo đảm mối quan hệ tối trọng giữa các nhà sản xuất lớn như các tập đoàn Boeing, Caterpillar và General Motors, với tất cả công ty liên quan tới chuỗi cung ứng vật tư chế tạo của Mỹ.
Ví dụ, những công ty lớn như AC Delco có trụ sở ở Kokomo và Cummín Engines có trụ sở tại Columbus thuộc Bang Indiana, đã cung ứng các sản phẩm như phụ tùng Ô tô và động cơ Diesel cho các hãng như GM và Ford. Hàng ngàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở hàng trăm các thành phố trên nước Mỹ sản xuất và cung ứng các chi tiết và bộ phận đa dụng như các ống cao áp và dây cáp điện, cũng như sản xuất và chế tạo các sản phẩm và chi tiết từ công nghệ gia công chính xác và khuôn mẫu.
Vấn đề ở đây là: Khi các hãng như Dupont hoặc Medtronic chế tạo các sản phẩm của họ ở Trung Quốc, cả hệ thống và công việc làm ăn liên quan tới cung ứng vật tư cũng sẽ di chuyển theo. Điều này không chỉ liên quan tới cung ứng vật tư. Nó còn liên quan tới chính sách bảo hộ nền công nghiệp: Trung Quốc ép buộc các hãng Phương Tây khi thành lập nhà máy trên đất của họ phải sử dụng nguồn lực địa phương, nhằm trợ giúp cho phát triển các nhà cung ứng nội địa. Thực ra, khi phỏng vấn một giám đốc ở Thượng hải ở một nhà máy cung cấp các linh kiện lắp giáp máy bay của Mỹ, chung tôi trực tiếp nhận thấy rằng: Công ty này luôn thường xuyên định kỳ mang các Kỹ sư người Mỹ tới Trung Quốc để đào tạo các nhà cung ứng yếu kém của họ để cải tiến chất lượng sản phẩm cho các bộ phận và chi tiết chính xác. Thông qua quá trình này, công ty bản địa có thể thay thế các đối tác Mỹ mà họ đã làm việc trong nhiều năm qua.
Và từ lúc này trở đi, bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một công ty lớn như 3M, Cisco, hoặc Ford thiết lập các nhà máy khác ở Trung Quốc, xin được hiểu rằng, việc mất công ăn việc làm đối với công ty là hiển nhiên. Đúng hơn, ở cái phiên bản “Nền kinh tế nhỏ giọt” [15] trong thế kỷ 21 này, những mất mát về công ăn việc làm ban đầu sẽ len lỏi và lan tỏa tới các cơ sở sản xuất còn lại khác ở Bắc Mỹ, sau đó sẽ là mất công ăn việc làm ở tất cả lĩnh vực dịch vụ của chúng ta, và cuối cùng, các trung tâm đầu mối mối sản xuất và chế tạo sôi động như Warren, Ohio, và Windsor, Ontario, sẽ trở thành những thị trấn ma.
Vì những lý do này, một điều rõ ràng là các việc làm liên quan tới sản xuất và chế tạo đóng một vai trò tối trọng với sự thịnh vượng lâu dài không chỉ ở Mỹ mà còn ở Châu Âu và Nhật Bản, cũng như các nước khác trên Thế giới. Rõ ràng, những cú nện bằng búa của Trung Quốc vào các cơ sở sản xuất và chế tạo của Mỹ, đã làm cho nước Mỹ lâm vào hoàn cảnh khó khăn trong việc tạo ra đủ số công ăn việc làm, để giảm một cách đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Mặc dù Nhà Trắng đã liều mạng sử dụng gói tài chính khổng lồ để kích hoạt nền kinh tế mũi nhọn và tiên phong, đường dây thất nghiệp [16] vẫn liên tục bị kéo căng tới hàng dặm. Thưa ngài Tổng thống, ngài có suy nghĩ tại sao lại có tình trạng như thế không?
Thực ra, lý do là ở đây: Việc cố gắng khởi động nền kinh tế của chúng ta bằng việc sử dụng một gói kích thích tài chính khổng lồ trong trình trạng thiếu vắng một nền sản xuất và chế tạo sôi động, thì cũng như là cố gắng khởi động một cái ô tô mà không có bộ phận Bu-gi đánh lửa hay có lực kéo tác động lên các bánh xe. Điều này không thể thành công được. Buồn hơn là, một phần lớn số tiền kích thích này bị rò rỉ chảy ra khỏi nền kinh tế của chúng ta, và số tiền này được dùng để kích hoạt kinh tế của Quảng châu và Thượng hải, chứ không kích hoạt kinh tế của Gary và Pittsburgh. Thực tế thì quan điểm của thuyết kinh tế Keynes [17] về chu kỳ chi tiêu công không thể áp dụng và thành công ở Peoria, khi mà có quá nhiều những thứ chúng ta mua không được chế tạo ở đây, và đồng minh thâm hụt thương mại lớn nhất của chúng ta thì không bao giờ đền đáp lại.
http://nguyentandung.org/cd-14-phan-4-nhung-vu-khi-huy-diet-viec-lam.html

Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Khúc Thừa Sơn - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger