Hải chiến Trường Sa 1988
Hải
chiến Trường Sa 1988 là
tên gọi của cuộc chiến trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân
Trung Hoa đưa quân chiếm đóng bãi đá Cô Lin,
bãi đá Len Đao
và bãi đá Gạc Ma
thuộc quần đảo Trường Sa, do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Nhân dân Việt Nam phải đưa quân
ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3
năm 1988.
Phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam
đã thiệt mạng. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong hai mươi tư thủy
binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải
quân ra đóng giữ một số đá ngầm
khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong
các tài liệu của Hải Quân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88
(Chủ quyền-88).
Bố trí kiểm soát Trường Sa của các nước
- Việt Nam chiếm ba đảo: Trường Sa (Spratly; diện tích 0,15 km²), Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sin Cowe). Ngoài ba đảo, Việt Nam còn chiếm ba cồn cát là An Bang(Amboyna), Song Tử Tây (Southwest) và Sơn Ca (Sand Cay) cùng mười lăm đá san hô. Tổng cộng 21 đơn vị, nằm ở phía Tây và chiếm khoảng 60% diện tích quần đảo.
- Philippines chiếm năm đảo: Bình Nguyên (Flat), Vĩnh Viễn (Nanshan), Bến Lạc (West York), Loại Ta (Loaita) và Thị Tứ (Thitu). Ngoài năm đảo, Philippines còn chiếm ba cồn, hai đá nổi và tám đá chìm, tổng cộng 18 đơn vị, chiếm khoảng 1/4 diện tích quần đảo ở phía Đông.[cần dẫn nguồn]
- Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba).
- Malaysia chiếm giữ 1 đảo và tuyên bố chủ quyền với một số đảo khác phía Đông. Brunei không giữ đảo nào nhưng tuyên bố chủ quyền đánh cá đặc quyền tại một bộ phận quần đảo.
- Trung Quốc chiếm hai đá là đá Chữ Thập (Fiery Cross) và đá Ga Ven (Gaven), cùng sáu đá chìm, tổng cộng 8 đơn vị ở phía Bắc quần đảo.
Quần
đảo Trường Sa là một nhóm gồm hơn một trăm đảo san hô, cồn cát, rạn san hô
(gồm rạn san hô thường và các đảo san hô vòng), bãi cạn và bãi ngầm đang
trong tình trạng tranh chấp ở Biển Ðông. Là một phần của các đảo ở biển Ðông, quần đảo Trường Sa được bao quanh bởi những ngư trường lớn và giàu dầu mỏ,
khí đốt,
hiện vùng mở rộng (diện tích) của nó vẫn còn chưa được biết và đang trong vòng
tranh cãi. Việt Nam, Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều tuyên bố
chủ quyền trên toàn bộ quần đảo, trong khi Brunei, Malaysia
và Philippines,
mỗi nước tuyên bố chủ quyền nhiều phần.
Nhiều
nước tham gia cuộc tranh cãi này có quân đội đóng trên từng phần của quần đảo
Trường Sa và kiểm soát nhiều căn cứ trên các đảo nhỏ và đá chìm khác nhau. Ðài
Loan chiếm đảo lớn nhất là đảo Ba Bình.
Tháng 2 năm 1995, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef), gây nên
một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Ðông Nam Á,
đặc biệt với Philippines. Ðầu năm 1999, những cuộc tranh cãi lại tăng lên khi
Philippines tuyên bố rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang xây dựng đồn bốt
quân sự trên đá ngầm. Mặc dầu những sự tranh cãi sau đó đã giảm bớt một chút
chúng vẫn là một trong những nguyên nhân có thể gây ra một cuộc chiến lớn ở Ðông Á
có sự tham gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay một cuộc chiến nhỏ hơn giữa
các nước tuyên bố chủ quyền khác.
Việt
Nam hiện nay đang kiểm soát hai mươi mốt đảo, cồn và rạn san hô. Nhóm đảo này
được gộp vào thành một huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
(Xem bài Trường Sa, Khánh Hòa)
Pháp lý chủ quyền
Bằng chứng địa lý
Trường
Sa cách lục địa Trung Hoa khoảng
750 hải lí, nên không nằm trong thềm lục địa của Trung Hoa. Hoàng Sa cũng cách
Hoa Lục tới 270 hải lí.
Tại bờ biển Việt Nam, thềm lục
địa chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra Hoàng Sa. Về địa hình, Hoàng Sa là
một hành lang của Trường Sơn từ Lý Sơn
ra khơi. Đây là những bình nguyên của thềm lục địa Việt Nam trên mặt biển. Năm
1925, nhà địa chất học quốc tế Tiến sĩ Khoa học A. Krempf, Giám Đốc Viện Hải học Đông Dương,
sau hai năm nghiên cứu và đo đạc đã lập phúc trình và kết luận: "Về mặt
địa chất, những đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam" (Géologiquement
les Paracels font partie du Vietnam)[cần dẫn nguồn].
Tại
Trường Sa cũng vậy. Về độ sâu và địa hình đáy biển, các đảo-cồn-đá-bãi ở Trường
Sa là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam. Tại bãi Tứ Chính, nơi khai thác
dầu khí, biển sâu không tới 400 m, và tại vùng đảo Trường Sa
độ sâu chỉ tới 200 m. Bãi Tứ Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lí và
cách lục địa Trung Hoa tới 780 hải lí. Trường Sa cách Việt Nam 220 hải lí và
cách Hoa Lục 750 hải lí. Từ Trường Sa về bờ biển Trung Hoa có rãnh biển sâu hơn
4.600 m.
Tranh chấp chủ quyền các nước tại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Không
có sự phủ nhận rằng ít nhất từ 1816, dưới đời vua Gia Long,
nhà Nguyễn Việt Nam
đã chiếm cứ công khai và thực hiện chủ quyền một cách liên tục, hòa bình các
hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt triều đại nhà Nguyễn. Sau khi chiếm
được Đại Nam (tức Việt Nam thời nhà Nguyễn), nước Pháp tiếp tục thực thi quyền
chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bia chủ quyền do người Pháp
(nhà nước bảo hộ Việt Nam thời thuộc Pháp), trực tiếp thực
thi quyền chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) dựng năm 1938
có ghi rõ:
République française [Cộng hòa Pháp]
Empire d’Annam [Vương quốc An Nam]
Archipel des Paracels [Quần đảo Hoàng Sa]
1816 -Île de Pattle 1938 [Đảo Hoàng Sa]
Năm
1927, Tàu SS De Lanessan của chính phủ Pháp
tiến hành một cuộc khảo sát khoa học trên quần đảo Trường Sa. Năm 1930, chính phủ Pháp tiến
hành cuộc khảo sát thứ hai bằng chiếc La Malicieuse, treo cờ Pháp trên một đảo
tên là île de la Tempête (có nghĩa là đảo Bão Tố, tức là Trường Sa Lớn). Ngư dân người Trung Hoa có mặt
trên đảo nhưng người Pháp cũng không trục xuất họ. Năm 1933, Ba tàu Pháp chiếm
quyền kiểm soát chín đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và tuyên bố chủ quyền của
Pháp đối với quần đảo này. Pháp đưa quần đảo Trường Sa vào thuộc quyền quản lý
của xứ Nam Kỳ
(Cochinchine) trong Liên bang Đông Dương. Pháp thực thi quyền
chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cho đến thế chiến II, năm 1941 bị Nhật
chiếm mất.
Lịch sử Trung Quốc không mang lại bằng chứng
nào cho biết họ đã liên tục chiếm cứ Hoàng Sa, Trường Sa từ đời Hán Vũ Đế hay ít nhất từ đời Mãn Thanh
bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Địa dư toàn đồ tới các
tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh)
xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm
Hoàng Sa, Trường Sa[1].
Năm 1932, Trung Hoa Dân Quốc gửi tới chính phủ Pháp một
bản ghi nhớ tranh cãi về chủ quyền của họ đối với Trường Sa, dựa trên bản dịch
Công ước Pháp-Thanh 1887 kết thúc Chiến tranh Pháp-Thanh. Tuy nhiên, Trung Hoa
Dân Quốc chỉ thực sự đưa quân tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa vào năm
1946 sau thế chiến II, đổ bộ xuống phá bỏ các mốc chủ quyền trước đó. Năm 1948,
Nội chiến Trung Hoa giữa Trung Hoa Dân Quốc với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân
Quốc buộc phải rút khỏi quần đảo Trường Sa.
Đế quốc Nhật cũng tranh giành chủ quyền với
Pháp về quần đảo Trường Sa, năm 1933 họ đưa ra bằng chứng về việc khai mỏ
phosphat của các công dân Nhật. Năm 1939, Nhật tuyên bố ý định đặt quần đảo
dưới quyền tài phán của họ.
Năm
1941, Nhật dùng vũ lực chiếm quần đảo Trường Sa và tiếp tục kiểm soát nó tới
cuối Thế chiến thứ II, cai quản vùng này như một
phần của Đài Loan thuộc Nhật. Một căn cứ tàu ngầm được thiết lập ở đảo Ba Bình. Năm 1951, Nhật Bản
kí Hiệp ước San Francisco và chấp nhận từ bỏ
mọi quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm
1945. Sau khi Nhật Bản đầu hàng cuối Thế chiến thứ II, Pháp
và Trung Hoa Dân Quốc tái khẳng định chủ quyền đối
với quần đảo Trường Sa. Trung Hoa Dân Quốc đổ quân lên đảo Ba Bình, chiếm giữ
đến năm 1948. Từ 1946 đến năm 1948, Pháp gửi tàu chiến tới tuần tra quần đảo
Trường Sa nhiều lần, và yêu cầu Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi quần đảo Trường Sa
nhưng không tấn công quân Trung Hoa. Các bên chủ chốt hiện nay đang tranh chấp
quần đảo Trường Sa thực sự đưa quân đến chiến hữu lâu dài trở lại các đảo thuộc
quần đảo Trường Sa là từ năm 1956.
Ngày
20 tháng 5 năm 1956,[2]
(một số nguồn cho là tháng 7 hoặc tháng 10[3])
Đài Loan
(tức Trung Hoa Dân Quốc sau năm 1949) quay lại chiếm
giữ, xây dựng cơ sở quân sự và kiểm soát đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đưa quân ra chiếm lại vào
tháng 8 năm 1956 (đã tuyên bố chủ quyền vào tháng 6), nhưng sau đó, nhân dịp lễ
Song thập 10/10, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh rút quân khỏi đảo Ba
Bình, và Đài Loan kiểm soát đảo cho đến tận ngày nay.
Lần
đầu tiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (tức Trung Quốc) chiếm đóng một phần quần
đảo Hoàng Sa (các đảo thuộc nhóm An Vĩnh trong đó có đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm) năm 1956, đến tháng 1 năm 1974
Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo này. Trước năm 1988, Trung Quốc chưa
chiếm hữu bất cứ một phần nào của quần đảo Trường Sa.
Ngày 7
tháng 7 năm 1951, Trần Văn Hữu, chủ tịch phái đoàn chính phủ Quốc gia Việt Nam (ở thời điểm đó nằm trong Liên hiệp Pháp tức là thuộc sự kiểm soát của
nước Pháp)
tới dự Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản tuyên bố rằng
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Theo Hiệp định Genève năm 1954, hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, do có vĩ độ nằm phía Nam vĩ tuyến 17,
cái mà được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập
kết quân sự tạm thời, nên thuộc vùng tập trung của chính quyền Quốc gia Việt Nam và quân đội khối Liên hiệp
Pháp.
Tháng
4 năm 1956: Việt Nam Cộng hòa kế thừa chính quyền Bảo Đại
(tức chính quyền Quốc gia Việt Nam) quản lý quần đảo Hoàng Sa theo đúng công
pháp quốc tế, nhưng chỉ chiếm hữu được toàn bộ phần phía Tây của quần đảo này
(tức là nhóm Lưỡi Liềm bao gồm đảo Hoàng Sa). Ngày 22 tháng 8
năm 1956: Một đơn vị hải quân Việt Nam Cộng hòa cắm cờ trên quần đảo Trường Sa
và dựng bia đá. Đến ngày 22 Tháng 10 thì chính phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố
Trường Sa phụ thuộc tỉnh Phước Tuy[4][5],
thực hiện chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa tại quần đảo Trường Sa.
Ngày 19 tháng 1
năm 1974, trong trận Hải chiến Hoàng Sa, Trung Quốc chiếm phần còn
lại của quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa. Ngày 20 tháng 1 năm 1974,
(ngay sau khi diễn ra trận Hải chiến Hoàng Sa), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam)
đã ra bản tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc.[6]
Cùng năm 1974, Việt Nam Cộng Hòa ra tuyên cáo[7]
về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa công bố bạch thư[8]
về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tố cáo Trung Quốc
tấn công quân lực Việt Nam Cộng hòa để chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 20
tháng 1 năm 1974.
Philippines
lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa tại Đại hội đồng Liên
hiệp quốc năm 1946, thì sự dính líu nghiêm túc của họ chỉ diễn ra vào năm 1956
khi vào ngày 15 tháng 5 công dân Philippines là Tomas Cloma tuyên bố lập ra một
nhà nước mới, Kalayaan (Vùng đất tự do). Năm 1968 Philippines gửi quân tới ba
đảo để bảo vệ các công dân Kalayaan và tuyên bố sáp nhập nhóm đảo Kalayaan. Năm
1972, Philippines sáp nhập các đảo Kalayaan (tức phần quần đảo Trường Sa) vào
tỉnh Palawan của họ.
Năm
1971, Malaysia đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo thuộc quần đảo
Trường Sa. Tới năm 1983, Malaysia chiếm một đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm
1984, Brunei
thiết lập một vùng đánh cá đặc quyền gồm cả đảo chìm Louisa ở phía Nam
quần đảo Trường Sa, nhưng không công khai tuyên bố chủ quyền vùng đó.
Tuyên bố chủ quyền của hai bên tham gia trận chiến
Ngày 4 tháng 9
năm 1958,
chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra bản "quyết
định về hải phận 12 hải lí của Trung Quốc" trong đó có đề cập tới
Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó Phạm Văn Đồng có gửi một công hàm cho Chu Ân Lai.
Về sau công hàm này (được/bị) phía Trung Quốc diễn giải là sự thừa nhận của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (là một bên
không tham gia vào tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) về chủ quyền của Trung Quốc
đối với Trường Sa và Hoàng Sa[9][10].
Nhưng theo tiến sĩ Balazs Szalontai, một nhà nghiên cứu về châu Á, khi trả lời
phỏng vấn của Đài BBC,
đã cho rằng cả Công hàm của Phạm Văn Đồng cũng như tuyên bố miệng của Ung Văn Khiêm năm 1956 đều không có sức nặng
ràng buộc[10].
Theo Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(nhà nước duy nhất kế thừa chủ quyền của Việt Nam từ 2 nhà nước trước đó là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) về quần đảo Hoàng Sa và quần
đảo Trường Sa ngày 7 tháng 8 năm 1979 thì: Sự diễn giải của Trung Quốc về bản
công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 như một sự công nhận chủ quyền của phía Trung
Quốc trên các quần đảo "là một sự xuyên tạc trắng trợn trên tinh thần
và ý nghĩa của bản công hàm chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lí của lãnh
hải Trung quốc". Theo báo Đại Đoàn Kết, một tờ báo chính thống của
nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thì, Bắc Kinh
(tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) đã diễn giải
công hàm của Phạm Văn Đồng một cách xuyên tạc, khi nội dung công hàm không đề
cập đến Hoàng Sa và Trường Sa, không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền
với 2 quần đảo này, mà chỉ công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, một
hành động ngoại giao hữu nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với Bắc Kinh
trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Đài Loan
(tức Trung Hoa Dân Quốc) đang gia tăng ở eo biển Đài Loan. Về phương diện luật pháp quốc
tế, Hoàng Sa và Trường Sa, vào thời điểm 1958-1975, không thuộc quyền quản lý
của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên chính phủ này không có nghĩa vụ và quyền hạn
hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này. Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó thuộc Việt Nam Cộng hòa, nên trong tranh chấp 2 quần
đảo này vào thời điểm năm 1958 đến năm 1975, lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa được xem như của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh
chấp.[11][12][13]
Tháng
7/1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà
bình với Nhật Bản, Quốc gia Việt Nam tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa từ lâu đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tuyên bố này không bị bác bỏ hay
bảo lưu ý kiến nào của 51 nước có mặt tại hội nghị. Tháng 4 năm 1950 Pháp trao
lại quyền quản lý quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) cho chính phủ Quốc gia Việt
Nam thời quốc trưởng Bảo Đại nhưng việc đồn trú vẫn do quân đội Pháp đảm nhiệm,
và khi người Pháp rời khỏi Việt Nam sau Hiệp định Genève năm 1954, quyền kiểm
soát thuộc về quân đội Quốc gia Việt Nam và kế tiếp là quân đội Việt Nam Cộng
hòa thực hiện chủ quyền đóng giữ Trường Sa. Sau khi Việt Nam thống nhất năm
1975, các lực lượng hải quân của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp
quản từ quân đội Việt Nam Cộng hòa cho đến nay.
Ngày
15 tháng 3 năm 1979, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nhà nước
duy nhất kế thừa, tất cả các nhà nước tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam trước năm
1976, bao gồm cả 2 nhà nước trước đó là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa từng có quyền chủ quyền và
tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) công bố bị vong
lục về vấn đề biên giới Việt - Trung, trong đó lên án việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam trước đó (các năm 1956, 1974). Ngày 28-9-1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng,
giới thiệu mười chín tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng
Sa và Trường Sa.[14]
Vị trí và tên gọi
Tên (tiếng Việt)
|
Tên (tiếng Anh)
|
Tên (tiếng Trung Quốc)
|
Vĩ độ
|
Kinh độ
|
Đá Gạc Ma
|
Johnson South Reef
|
Chigua Jiao / 赤瓜礁 /Xích Qua tiêu
|
9o 45' B
|
114o 18' Đ
|
Đá Cô Lin
|
Johnson North/Collins Reef
|
Guihuan Jiao / 鬼喊礁 /Quỷ Hám tiêu
|
9o 45' B
|
114o 14' Đ
|
Đá Len Đao
|
Lansdowne Reef
|
Qiong Jiao / 琼礁 /Quỳnh tiêu
|
9o 46' B
|
114o 22' Đ
|
Diễn biến
Trong
những tháng đầu năm 1988, lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng
một số bãi đá thuộc khu vực tại quần đảo Trường Sa, chiếm giữ đá Chữ Thập (31
tháng 1), đá Châu Viên (18 tháng 2), đá Ga Ven (26 tháng 2), đá Tư Nghĩa (Huy Gơ) (28 tháng 2), Xu Bi
(23 tháng 3)[15].
Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đá Tiên Nữ (26 tháng 1), đá Lát (5 tháng 2), đá Lớn
(6 tháng 2), đá Đông (18 tháng 2), đá Tốc Tan
(27 tháng 2), đá Núi Le
(2 tháng 3)[15],
bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung
Quốc ra các đảo lân cận. Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một
số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và phía đông kinh tuyến 115°.
Căn cứ
vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, Hải quân Việt Nam xác định: Gạc Ma
giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế
đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy,
thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đá Gạc Ma, Cô Lin và Len
Đao... Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao cho Lữ đoàn Vận tải 125 cử lực lượng
thực hiện nhiệm vụ này.
Trong
khi đó, hải quân Trung Quốc sau khi đưa quân chiếm đóng các rạn san hô Chữ
Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Tư Nghĩa cũng đang có ý đồ chiếm giữ ba đá Gạc
Ma, Cô Lin và Len Đao. Đầu tháng 3 năm 1988, Trung Quốc huy động lực lượng của
hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây
thường xuyên lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ
tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc,
tàu kéo và 1 pông tông lớn.
Trước
tình hình đó, ngày 31 tháng 3, Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho vùng 4, Lữ
đoàn 125, Lữ đoàn 146, các hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng
thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở
Hải Phòng
chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Bộ tư lệnh Hải quân điều động
41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1,3,5,
Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam (nay là Học viện Hải quân Việt Nam), nhà máy Ba Son... đến phối
thuộc khi cần thiết.
Lúc 19
giờ ngày 11 tháng 3 tàu HQ-604 rời cảng ra đá Gạc Ma để thực hiện
nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88
("Chủ Quyền 88").
Ngày
12 tháng 3, tàu HQ-605 thuộc Lữ 125 do thuyền trưởng Lê
Lệnh Sơn chỉ huy được lệnh từ đá Đông đến đóng giữ đá Len Đao trước 6 giờ ngày
14 tháng 3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu 605 đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14 tháng
3 và cắm cờ Việt Nam trên đá san hô này.
Thực
hiện nhiệm vụ đóng giữ các đá Gạc Ma và Cô Lin, 9 giờ ngày 13 tháng 3, tàu
HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ-505 của
thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh từ đảo Đá Lớn
tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu 505 và 604 có hai phân đội
công binh (70 người) thuộc trung đoàn công binh 83, bốn tổ chiến đấu (22 người)
thuộc Lữ đoàn 146 do Trần Đức Thông Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và bốn chiến sĩ
đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu). Sau khi hai
tàu của Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ Huy
Gơ chạy về phía Gạc Ma, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500 m.
17 giờ
ngày 13 tháng 3, tàu Trung Quốc áp sát tàu 604 và dùng loa gọi sang. Bị uy
hiếp, hai tàu 604 và 505 kiên trì neo giữ quanh đá. Còn chiến hạm của Trung
Quốc cùng một hộ vệ hạm, hai hải vận hạm thay nhau cơ
động, chạy quanh đá Gạc Ma.
Trước
tình hình căng thẳng do hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13 tháng 3, Bộ Tư lệnh
Hải quân Việt Nam chỉ thị cho Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ
chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đá Gạc Ma, Cô Lin. Tiếp đó Bộ Tư lệnh Hải
quân chỉ thị cho lực lượng công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển vật liệu xây
dựng lên đá ngay trong đêm ngày 13 tháng 3. Thực hiện mệnh lệnh, tàu 604 cùng
lực lượng công binh trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đá Gạc Ma, tiếp đó lực
lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai bốn tổ bảo vệ
đá.
Lúc
này, Trung Quốc điều thêm hai hộ vệ hạm trang bị pháo
100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút
khỏi đá Gạc Ma. Ban chỉ huy tàu 604 họp nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ
lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực
hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.
Ngày 14 tháng 3,
chiến sự diễn ra tại khu vực các đá
Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao.
Đá Gạc Ma
Sáng
ngày 14 tháng 3, từ tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trần Đức Thông, Lữ đoàn
phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại
gần. Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử
lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi.
Phía
Trung Quốc cử hai xuồng chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy
Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình
thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.
6h
sáng, Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật
cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần
Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết ông đã hô: "Thà hy sinh chứ
không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân
chủng Hải quân".[16]
Do Hải
quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai
chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân
Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân
trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD,
B-40, B-41 đánh trả quyết liệt,
buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.
Hải
quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ
trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam
bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ - thuyền
trưởng, Trần Đức Thông - lữ đoàn
phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực
đá Gạc Ma.
Đá Cô Lin
Tại đá
Cô Lin, 6h, tàu HQ-505 của Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đá. Khi thấy tàu 604
của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo
cho tàu ủi bãi. Phát hiện tàu 505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang
tiến công tàu HQ-505. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đá
thì bốc cháy.
8h15,
thủy thủ tàu 505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá, và đưa
xuồng đến cứu thủy thủ tàu 604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma
ngay gần đó (Cô Lin cách Gạc Ma khoảng 3,5 hải lí)
Đá Len Đao
Ở
hướng đá Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14 tháng 3, Hải quân Trung Quốc bắn mãnh
liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6
giờ ngày 15 tháng 3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn.
Thượng
uý Nguyễn Văn Chương và trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và
chiến sĩ về tàu 505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên đá Cô Lin). Thi hài các chiến
sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên
xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng
về đến đá Cô Lin.
Kết quả
Trong
trận chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988, thiệt hại của Việt Nam bao gồm ba tàu bị
bắn cháy và chìm, ba người hy sinh, mười một người khác bị thương, bảy mươi
người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam chín người
bị bắt, sáu mươi tư người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh.
Trong
trận Hải chiến Trường Sa, Học viện Hải quân Việt Nam có hai học viên (Kiều Hồng
Lập và Nguyễn Bá Cường) hi sinh trong lúc tham gia thực tập và chiến đấu trên
tàu HQ 604, hiện nay vẫn còn lưu giữ hình ảnh tại nhà truyền thống của Học viện[cần dẫn nguồn].
Nhờ
hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt
Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này. Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma
từ ngày 16 tháng 3 năm 1988 và vẫn giữ cho đến nay.
Khoảng
một tháng sau trận hải chiến tại Gạc Ma, hải quân Việt Nam đưa ba mươi lăm công
binh và bảy thủy binh cùng vật liệu xây dựng bí mật đổ bộ trong đêm lên đá Len
Đao xây nhà đánh dấu chủ quyền. Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày Trung Quốc
đưa bảy tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá.
Tuy nhiên lần này Việt Nam cho bảy máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra phía đá
hỗ trợ nên số tàu chiến của Trung Quốc tản ra, đụng độ không nổ ra, phía Việt
Nam giữ được đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá.
Trong
năm 1988, Hải quân Việt Nam đưa quân ra đóng giữ tiếp mười một bãi đá ngầm
khác. Ngày 17 tháng 10, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo
vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía nam (khu DK1). Ngày 5 tháng 7 năm
1989, Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị số 180UT về việc xây dựng cụm dịch vụ kinh
tế - khoa học - kỹ thuật thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gọi tắt là DK1), xác định lại chủ
quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa này. Từ tháng 6 năm 1989, Hải quân
Việt Nam bắt đầu đóng giữ các bãi đá ngầm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Dương, Ba Kè.[15]
Giải thích của phía Trung Quốc
Theo
phía Trung Quốc thì trong khi các tàu của họ đang bỏ
neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế hải
quân Trung Quốc "bắt buộc phải tự vệ"? Khi hạm đội Trung Quốc di
chuyển tới Trường Sa, Trung Quốc lấy danh nghĩa đưa phái
đoàn khoa-học Liên Hiệp Quốc đi khảo sát. Sau này Chính phủ
Trung Quốc tuyên bố rất tiếc là biến cố đã xảy ra. Về phía Liên Hiệp Quốc thì cho rằng họ không có công
tác khảo sát nào ở Trường Sa.[17]
Theo phía Trung Quốc, chủ trương ban đầu của họ là chỉ chiếm đóng các đảo còn
bỏ hoang, chứ không tranh chấp các đảo có lực lượng nước ngoài chiếm đóng từ
trước.
Bất chấp luật lệ chiến tranh
Theo
các báo của Việt Nam thì khi tàu của Việt Nam bị đánh đắm thì tàu chiến Trung
Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một sự vi phạm
những điều luật cơ bản nhất về chiến tranh của luật pháp quốc tế[18].
Tưởng nhớ
Phía Việt Nam
Nhiều
năm sau, báo chí chính thống của Việt Nam
vẫn đưa tin các cuộc tưởng niệm về các chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến bảo
vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, khi người dân vớt được bốn bộ hài cốt nghi
là liệt sỹ hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến đấu
bảo vệ đá Gạc Ma
(14-3-1988) thì cũng đã được Quân chủng Hải quân dùng phương tiện hiện đại là
xác định ADN đối chiếu với thân nhân sáu mươi tư liệt sỹ và sau đó chôn cất hài
cốt các liệt sỹ tại đất liền cùng làm lễ tưởng niệm tại đoàn M29 [19]
Trong
các chuyến tàu ra quần đảo Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay thường
tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện CQ-88 với diễn văn, thắp
hương, mặc niệm và thả hoa xuống biển.[20]
Phía Trung Quốc
Trung
Quốc cho rằng đây là đất của họ bất kể tính chính xác của luật pháp quốc tế và
cũng không quan tâm tới quá trình xác lập chủ quyền của họ tại Trường Sa
là có hay không, điều này ngày càng lộ rõ qua đường chín đoạn mà phía Trung Quốc coi là của
họ. Đa phần dư luận Trung Quốc vẫn cho rằng cuộc chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988
là chính đáng, thể hiện tinh thần dân tộc của đất
nước Trung Hoa.
Các sự kiện có liên quan
Trong
suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh
đã không hề can thiệp, mặc dù giữa Việt Nam và Liên Xô
có ký riêng Hiệp ước Liên minh Quân sự Đồng minh song phương (tháng 11-1978)
trong đó ghi rõ là Liên Xô sẽ hỗ trợ Việt Nam hết sức mình về các mặt kinh tế,
văn hóa và quốc phòng [21].
Sự việc này được ví von giống như trường hợp của Việt Nam Cộng hòa trong sự kiện Hoàng Sa 1974,
khi Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ đóng tại Phillipines chỉ hỗ trợ về thông tin tình
báo và không có bất cứ hành động thiết thực nào để hỗ trợ hạm đội Việt Nam Cộng
hòa giao chiến với Trung Quốc. Tháng 5 năm 1988, hai tháng sau cuộc hải chiến
này, một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang "đa phương
hóa".[21]
Vào
tháng 4 năm 1988, Trung Quốc cũng đã thông qua một nghị quyết
thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa
và Trường Sa mà Việt Nam
đã khẳng định chủ quyền.
Năm
1994, Trung Quốc lại có hành động tương tự trên ở đá Vành Khăn do Philippines kiểm soát.
Philippines chỉ đưa ra phản đối chính trị chứ không có động thái quân sự nào.
Theo Henry L. Stimson Center, hải quân Philippines quyết định tránh đối đầu vì
thấy kinh nghiệm tranh chấp năm 1988 giữa Trung Quốc và Việt Nam.[22]
Nguồn ; internet ..................
Đăng nhận xét