NGÔ QUYỀN ĐẠI PHÁ QUÂN NAM HÁN NỐI LẠI NỀN ĐỘC LẬP

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012 0 nhận xét



NGÔ QUYỀN ĐẠI PHÁ QUÂN NAM HÁN NỐI LẠI NỀN ĐỘC LẬP


Sau khi nội phản giết chủ tướng Dương Đình Nghệ đoạt quyền, Kiều Công Tiễn nhanh chóng xây dựng đội quân hùng hậu đứng đầu vùng Châu Phong. Nắm được Đại La, vị trí trọng yếu, lại thu nạp được một bộ phận quân đội cũ của Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn đủ sức đàn áp mọi lực lượng phản kháng nhưng mặt khác lại sẵn sàng khom lưng quỳ gối cầu cứu bọn giặc phương Bắc để giữ gìn quyền lợi ích kỷ của cá nhân và tập đoàn.
Giặc Nam Hán có kinh tế mạnh, lại dày dạn chiến trận. Năm 928, đội quân "thần nỏ” của Nam Hán đã tiêu diệt thủy quân Sở ở Hạ Giang. Về mặt đánh thủy, vùng Quảng Đông của Nam Hán là nơi có nhiều thuyền buồm lớn đi được tới các vùng bể xa, có những đội cướp biển hoành hành ở biển Đông.
Đánh bại được những thế lực trong nước và ngoài nước lớn mạnh như thế phải kỳ công chuẩn bị, phải có thời cơ. Đó là lý do giải thích vì sao từ tháng 4 năm 937, khi Kiều Công Tiễn giết chủ mà đến tận tháng 10 năm 938, hơn một năm trời tên phản chủ mới bị quân tướng của Ngô Quyền đánh bại. Hẳn Ngô Quyền còn chờ cho Kiều Công Tiễn bộc lộ hết bộ mặt phản dân tộc để các người cuồng tín, các lực lượng trung gian dần được thức tỉnh, thấy rõ sự thực. Trên cơ sở đó mà mặt trận đại đoàn kết toàn dân được hình thành phát triển, tiến tới thế áp đảo diệt được thù trong giặc ngoài.
Tháng 3-931, từ Ái Châu, Dương Đình Nghệ đưa quân bắc tiến, cả phá thành Đại La, giết chết tướng giặc Lương Khắc Trinh, đánh tan viện binh, đuổi Thứ sử Lý Tiến về nước. Thảm bại nhục nhã này làm cho giặc Nam Hán hậm hực, tìm mọi cách báo thù. Nguy cơ của một cuộc xâm lược từ phương Bắc sắp sửa xảy ra thì có nội phản: Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn - một viên tướng dưới quyền - giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền đã đứng lên báo thù, giết Kiều Công Tiễn, rồi chỉ một trận phá tan quân Nam Hán xâm lược trên sông Bạch Đằng, nối lại nền độc lập của dân tộc.
Ngô Quyền sinh ra tại làng Đường Lâm (nơi một ấp hai vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền) thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội ngày nay). Ông là con trai Thứ sử Ngô Mân. Từ tấm bé đã được hun đúc lòng yêu nước "vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc” như sử cũ miêu tả. Ông đã cùng cha góp phần xây dựng chính quyền họ Khúc, là con rể yêu quý và là tướng tiên phong của Dương Đình Nghệ trong việc đánh đuổi quân Nam Hán năm 931. Trong 7 năm (931-938) quản lĩnh vùng Ái Châu rộng lớn, ông đã giữ vững an ninh trong vùng, luyện binh, trữ lương thành chỗ dựa vững chắc nhất của Dương Đình Nghệ. Cho nên, từ sau khi Kiều Công Tiễn phản bội thì Ngô Quyền xứng đáng trở thành ngọn cờ hiệu triệu toàn dân. Những người đứng đầu phong trào yêu nước đều quy tụ về với ông như: Đinh Công Trứ ở Hoa Lư (Ninh Bình); Lã Minh ở Liễu Chử (Thuận Thành, Bắc Ninh), Phạm Bạch Hổ ở Ngọc Dương (Kim Động, Hưng Yên) Phạm Chiêm ở Nam Sách (Hải Dương), Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động, Thanh Oai (Hà Nội ngày nay)... Đặc biệt, Kiều Công Hãn - cháu Kiều Công Tiễn - cuối cùng đã thức tỉnh, đặt lợi ích quốc gia lên trên dòng tộc, đem binh lực về với Ngô Quyền.
Cùng với khối đại đoàn kết là việc chuẩn bị hậu cần, hậu phương với một căn cứ địa vững chắc, thể hiện tầm mắt chiến lược sâu sắc, tài vận dụng địa hình tuyệt vời của Ngô Quyền. Như ở vùng đất Chạ Xá, Chạ Chế xưa có đền Kê Lạc thờ Ngô Quyền thuộc xã Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên) có những địa danh lịch sử mà giải mã cho thấy đây là cửa biển mà Ngô Quyền từng xây dựng căn cứ hậu cần chuẩn bị cho trận Bạch Đằng với những kho gạo, trại nuôi ngựa, nơi tập trận...
Nước ta sát biển, sông ngòi chằng chịt, có truyền thống thủy chiến đã được Ngô Quyền tận dụng, khai thông. Thuyền chiến của ông chở binh, lương, vũ khí từ sông Mã (làng Dàng) có thể xuôi các dòng sông ra cửa Thần Phù (Tạc Khẩu) nối với sông Đáy. Từ đó tiến ra Đại La gây cơ sở, gắn với các lực lượng chống Kiều Công Tiễn sẵn ở đó, chuẩn bị cho đại quân Bắc phạt. Cũng từ đấy thuyền chiến của ông theo hệ thống sông ngòi ven biển tiến về cửa biển Bạch Đằng để lập sẵn đồn trại ở Gia Viên bên hữu ngạn bờ sông Cấm (Hải Phòng ngày nay) hay lập căn cứ tại Lương Xâm, cách Gia Viên 5km về phía Đông Bắc đối diện với cửa biển Bạch Đằng. Ông đặc biệt chú ý sửa, đóng các loại thuyền chiến như thuyền mông đồng (mỗi thuyền có tới 25 chiến thủ, 23 tay chèo "ngược xuôi nhanh như gió”), thuyền tam bản, thuyền độc mộc, thuyền đuôi én, thuyền thúng... rất cơ động trên sông nước để đối phó với thuyền to, khỏe, vững chắc, nhưng chậm chạp hơn của Nam Hán.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hậu phương, binh lực, hậu cần ấy có thể góp phần giải thích vì sao chiến thuật dùng thủy triều, cọc gỗ của Ngô Quyền lại phát huy tác dụng và chiến thắng, còn sau này Hồ Quý Ly cũng có cọc gỗ đóng ở cửa biển... mà vẫn đành "anh hùng để hận mấy nghìn năm” như trong một bài thơ của Nguyễn Trãi đã viết.
Việc chuẩn bị đã đầy đủ nên đầu mùa đông năm 938, đại quân Ngô Quyền đã vượt qua đèo Ba Dội để bắc phạt, đánh tan quân phản bội, bêu đầu Kiều Công Tiễn ở ngoài cửa thành Đại La. Kế sách "sao cho trong ấm thì ngoài mới êm” đã được Ngô Quyền thực hiện một cách tài tình. Trước diệt nội phản, sau trừ ngoại xâm. Vào thành Đại La, Ngô Quyền họp các tướng tá, bàn rằng: "Hoàng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được! Song chúng có lợi thế ở thuyền, nếu ta không phòng trước thì chuyện được thua cũng chưa thể biết được! Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả”. Tầm nhìn xa trông rộng này đã thay đổi cách đánh truyền thống từ trên bộ, trên sông sang cách đánh trên sông gắn với đánh trên biển. Nối tiếp truyền thống này, về sau có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Lý Kế Nguyên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái độc đáo là toàn bộ cuộc kháng chiến được thực hiện bằng một trận quyết chiến chiến lược lớn và triệt để. Nó phù hợp với lời nói của Trần Quốc Tuấn về sau: Chúng ta "dùng đoản binh chống lại trường trận”. Đúng như tướng Bố Đông đời Hồ Quý Ly đã nói đại ý: Phải chọn tinh binh đánh tan chúng ngay từ trên biên cảnh, chớ nên để chúng vào trong nước, xuống được đồng bằng mà cậy quân nhiều thông được mạch. Bởi nếu giặc vào sâu trong nước sẽ phát huy sở trường tràng trận của chúng thì rất nguy hiểm. Ngô Quyền đã đánh tan chúng ngay từ trên sông Bạch Đằng và trên biển, những nơi tiếp xúc gần gũi với Trung Quốc, không để cho chiến tranh dây dưa kéo vào nội địa nên kết thúc sớm, tất cả chỉ trong vòng 1 tháng. Sinh thời, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã có lý khi khẳng định trong một bài nghiên cứu: "Đây là trận đánh nhanh nhất Việt Nam... Ngoài việc diệt địch ở cửa sông Bạch Đằng, có thể Ngô Quyền còn có bộ phận quân địa phương đón đánh hậu quân của Hoàng Thao ở vịnh Hạ Long nữa. Rõ ràng Ngô Quyền đã mở đầu cho truyền thống đánh giặc Bắc trên biển, kết hợp quân chính quy với dân quân”.
Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc ta nói như tác giả bộ sử "Cương mục”: "Ở đó có núi cao ngất nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mát giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến”. Ngô Quyền không những biết lợi dụng địa hình thiên nhiên, để ém quân mai phục, phối hợp bộ binh với thủy binh, ông còn là người biết lợi dụng thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta, gắn với việc bố trí bãi cọc ngầm nổi tiếng. Theo truyền thuyết, người thanh niên Nguyễn Tất Tố giỏi bơi lặn, thạo địa hình được ông giao nhiệm vụ, nhân lúc nước triều lên nhử địch vượt qua bãi cọc dấn thân vào cạm bẫy mai phục bên trong. Hoàng Thao là tên tướng trẻ kiêu ngạo đã mắc mưu, thúc đại quân đuổi gấp, vượt qua bãi cọc ngầm tiến sâu vào thế trận đã dàn sẵn. Đến khi nước rút xuống, quân thủy của ta tấn công bất ngờ, mãnh liệt từ thượng lưu xuống chặn đầu kết hợp với quân thủy bộ hai bên bờ sông đánh tạt ngang vào đội hình địch. Lúc nước triều xuống thấp nhất là lúc gần hết đạo quân thủy của Nam Hán vĩnh viễn bị chôn vùi vào lòng con sông lịch sử.
Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh, gọn, triệt để đến mức mà Lưu Cung - vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới - không sao kịp tiếp ứng cho con, nghe tin quá bất ngờ và quá kinh hoàng, hắn chỉ biết thương khóc và đành phải thu nhặt tàn quân quay về nước, không bao giờ dám động đến chủ quyền lãnh thổ nước ta nữa. Thế là ý chí xâm lược của giặc Bắc đã hoàn toàn bị đè bẹp. Ca ngợi Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng, nhà sử học Lê Văn Hưu viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Thao, mở nước xưng vương làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”.
Sau đêm trường Bắc thuộc hơn nghìn năm, đặc biệt, sau 33 năm giành quyền tự chủ (từ lúc họ Khúc khởi nghiệp năm 905 tới chiến thắng này), dân tộc ta đã trưởng thành về mọi mặt để hiên ngang lẫm liệt tiến vào bước ngoặt vĩ đại của lịch sử, chấm dứt ách đô hộ tàn bạo của phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho đất nước. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã khẳng định: "Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến thắng của đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy danh lẫm liệt ấy”. Trong "Việt Nam quốc sử khảo”, Chí sĩ Phan Bội Châu ca ngợi Ngô Quyền là "Tổ Trung hưng” thứ nhất của dân tộc ta.
TS. Đinh Công Vĩ

Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Khúc Thừa Sơn - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger